Chương trình 135 từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào Khmer huyện Long Phú.
Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Long Phú, giai đoạn 2016 - 2020, huyện được bố trí 25,924 tỉ đồng thực hiện Chương trình 135, trong đó, vốn Trung ương 19,481 tỉ đồng, vốn địa phương 6,443 tỉ đồng. Nguồn vốn này đã tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào Khmer. Ông Thạch Hoàng Tha - Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Trong những năm qua, thông qua nguồn vốn phân bổ thuộc Chương trình 135, huyện triển khai đầu tư xây dựng mới 31 công trình cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng 32 công trình tại 8 xã thuộc khu vực II và khu vực III. Dự án phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình cũng đã hỗ trợ cho 438 hộ nghèo thụ hưởng. Ngoài ra, các địa phương cũng đã kết hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 386 hộ được thụ hưởng, tổng kinh phí là 5,262 tỉ đồng. Qua đó, đã giúp cho người dân từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế. Ông Liêng Sinh - người dân ở ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh cho biết, trước đây phần đông bà con chỉ trồng một vụ lúa với suy nghĩ “làm được bao nhiêu, ăn bấy nhiêu”. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai, giúp người nông dân thay đổi cách nghĩ trong làm nông nghiệp. Với trên 5ha đất, gia đình ông Liêng Sinh đều sử dụng giống lúa chất lượng cao, bán có giá và được thị trường ưa chuộng. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên lợi nhuận của gia đình đều đảm bảo trong mỗi vụ sản xuất với năng suất đạt trung bình từ 7,5 – 8,5 tấn/ha.
..JPG)
Chú thích ảnh: Chương trình 135 duy tu, Vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn sinh kế (thuộc chương trình 135).
Qua 3 giai đoạn, có thể khẳng định Chương trình 135 là một “thương hiệu” rất thân thuộc với cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc Khmer; Chương trình 135 đã chứng minh vị thế là một chương trình giảm nghèo lớn và quan trọng nhất, hỗ trợ hiệu quả đối với phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; Chương trình đã làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc khó khăn, đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (từ 4 – 5%/năm).
Ông Lê Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết, có thể khẳng định, mức sống của người dân vùng dự án cơ bản ổn định và có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, phong tục tập quán và bản sắc văn hóa của đồng bào được phát huy. Công tác xóa đói giảm nghèo thật sự mang lại hiệu quả. Tính đến cuối năm 2021, số hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm còn 309 hộ, chiếm tỷ lệ 3,90% và hộ cận nghèo trong đồng bào giảm còn 458 hộ, chiếm tỷ lệ 5,78%. Trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, nhất là chính quyền cấp xã được nâng lên, từng bước đáp ứng công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn; tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào dân tộc có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, tỷ lệ ấp, khu phố có điện, đường, lớp học, Nhà văn hóa, Trạm y tế, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, nước sạch hợp vệ sinh nông thôn … đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con; khối đại đàon kết dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Nhờ có chương trình 135, huyện Long Phú đã từng bước hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất kinh doanh và dân sinh; hoàn thiện hệ thống các công trình bảo đảm cung cấp điện phục vụ sinh hoạt sản xuất kinh doanh; hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa trên địa bàn xã, gồm: Trạm chuyển tiếp phát thanh xã (cụm loa FM); nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ấp, liên ấp; hoàn thiện các công trình để bảo đảm chuẩn hóa trạm y tế xã; hoàn thiện hệ thống các công trình để đảm bảo chuẩn hóa giáo dục trên địa bàn xã, xây dựng lớp tiểu học, mẫu giáo, nhà trẻ, nhà ở giáo viên, trang bị bàn ghế, điện, nước sinh hoạt. Các công trình phụ trên địa bàn ấp, khu dân cư; cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi nội đồng; các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt là các công trình duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở …
Chương trình 135 tiếp tục được khẳng định là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Qua đó, đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer.
Bài và ảnh: Sóc Ca.